icon-phone.gif

Điện thoại: 0236 3836155 | 0236 3836761

167-175 Chương Dương, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

icon-time.gif

Giờ làm việc: 7h30 - 11h30, 13h00 - 17h00

từ thứ Hai đến thứ Sáu, thứ Bảy & Chủ Nhật: nghỉ

icon-calendar.gif

Sắp xếp lịch hẹn

Trao đổi ngay và luôn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Gia đình NAFI cùng 'làm giàu' cho 100 triệu dân

Ngày 31/08/2024 Người đăng: Admin Số lần xem: 123

Tư duy sản xuất nông nghiệp đang thay đổi liên tục, theo hướng đảm bảo vệ sinh, an toàn, chất lượng cho mọi tác nhân trong chuỗi và đòi hỏi sự thích ứng cao độ.

(Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng bức trướng kỷ niệm cho tập thể NAFIQPM. Ảnh: Tùng Đinh)

Kiên trì mục tiêu suốt 30 năm

Sáng 30/8, Cục Chất lượng. Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) kỷ niệm 30 năm thành lập. Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan; bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản; ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Cùng dự có đại diện các Đại sứ quán Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Canada, Brazil… cùng đông đảo cán bộ, công nhân viên của NAFIQPM, các trung tâm chất lượng vùng trên cả nước.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQPM cảm ơn sự hiện diện của đông đảo của khách mời, đại biểu. Ông cho rằng, đây là dịp để nhìn nhận lại hành trình 30 năm của hệ thống quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản, cũng như nhận thức rõ những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

“Giờ đây NAFIQPM đã trở thành thương hiệu uy tín không chỉ trong nước mà còn với các đối tác thương mại, các tổ chức quốc tế. Niềm vinh dự ấy được xây đắp từ những viên gạch đầu tiên cách đây 30 năm”, ông Tiệp nói.

(Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp cảm ơn sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân liên quan suốt thời gian qua. Ảnh: Tùng Đinh)

Theo ông Tiệp, từ ý tưởng ban đầu là đảm bảo an toàn thực phẩm cho các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh cho tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản, cái tên “NAFI” đã trở thành một tên gọi chung cho toàn bộ hệ thống quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đến nay.

Xúc động khi tham dự buổi lễ, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng cho biết, những người làm thủy sản lúc nào cũng đau đáu với mong muốn đưa ngành phát triển, bởi Việt Nam có tiềm năng lớn về thủy sản, với chất lượng được đánh giá cao.

Nhận thức được rõ vấn đề này, nên ngay từ những ngày đầu, hệ thống NAFI đã đồng lòng, nhất trí với khẩu hiệu “chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn”. Việc sản xuất, chế biến thủy sản nói riêng và thực phẩm nói chung đều phải tuân thủ điều này một cách chặt chẽ.

(Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Việt Thắng. Ảnh: Tùng Đinh)

“Ngày ấy, chúng tôi tâm niệm, rằng thế giới đến đây ăn phải an toàn. Nhìn không khí hội trường hôm nay, tôi tin đó sẽ tiếp tục là phương châm hoạt động của hệ thống quản lý chất lượng”, ông Thắng bày tỏ.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thị Hồng Minh nhớ lại những ngày đầu thành lập Trung tâm An toàn chất lượng Thuỷ sản (NAFIQACEN), tiền thân của NAFIQPM ngày nay. Khi ấy, trung tâm chỉ có 3 người, cơ sở vật chất thiếu thốn, thậm chí không có chuyên viên phụ trách kỹ thuật.

(Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh. Ảnh: Tùng Đinh)

Tuy nhiên nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Bộ Thủy sản, Bộ NN-PTNT các thời kỳ, sự chủ động, quyết tâm và dấn thân của những người đứng đầu NAFIQACEN, hệ thống quản lý chất lượng dần thành hình trên cả nước.

“Lúc ấy nhiều người dân, doanh nghiệp còn không biết tiêu chuẩn vệ sinh là như thế nào. Những tiêu chuẩn tương đương với châu Âu càng là điều xa vời. Thế mà chỉ 5 năm sau khi thành lập, NAFIQACEN đã hướng dẫn để 18 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản vào EU”, bà Minh bộc bạch.

(Hàng trăm đại biểu, khách mời đã tới dự sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập của NAFIQPM. Ảnh: Tùng Đinh)

Giai đoạn ấy, Liên minh châu Âu vừa thành lập (năm 1993), với mục tiêu đẩy mạnh nhất thể hóa và nâng cao yêu cầu về chất lượng thực phẩm. Trong khi đó, Việt Nam đang ở những năm đầu đổi mới. Nhiều doanh nghiệp đã tâm tư, là nếu đầu tư cơ sở hạ tầng, quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm thì liệu có chắc chắn xuất khẩu được không.

“Chúng tôi đã kiên trì thuyết phục, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ rằng đây là quá trình tất yếu, giúp ngành thủy sản và hình ảnh đất nước Việt Nam được quảng bá, cũng như hội nhập sâu rộng với thế giới”, bà Minh chia sẻ.

12 tập thể, 16 cá nhân được khen thưởng

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tặng bức trướng chúc mừng tập thể NAFIQPM nhân kỷ niệm 30 năm thành lập.

(12 tập thể và 16 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trong dịp này. Ảnh: Tùng Đinh)

Cùng với đó, Bộ trưởng đã tặng bằng khen cho 12 tập thể và 16 cá nhân thuộc NAFIQPM có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo chất lượng nông lâm thủy sản, góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Trong đó, 12 tập thể được khen thưởng dịp này gồm: Phòng An toàn thực phẩm, Phòng Giám sát và Đánh giá sự phù hợp, Phòng Kế hoạch, Văn phòng Cục, Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường khu vực Trung bộ, Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường khu vực Nam bộ, Trung tâm Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường các vùng I, II, III, IV, V, VI.

Thích ứng với những tình hình mới

Trong không khí ấm úng, ông Nguyễn Tử Cương, Giám đốc đầu tiên của NAFIQACEN (tiền thân của NAFIQPM) cảm ơn sự đóng góp, chung sức của các thế hệ cán bộ, công nhân viên của hệ thống quản lý chất lượng. Ông cho rằng, chính nhờ những nỗ lực này, thủy sản Việt Nam đã chinh phục thành công 2 thị trường khó tính bậc nhất là EU và Hoa Kỳ, cũng như đạt kỷ lục xuất khẩu hơn 10 tỷ USD vào năm 2022.

Trong bối cảnh mới, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), ông Cương lưu ý NAFIQPM cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan đặc biệt lưu ý đến các vấn đề SPS. Đây là hàng rào kỹ thuật bắt buộc mà các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi của Việt Nam phải vượt qua.

Ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, hành trình 30 năm qua của hệ thống quản lý chất lượng đã phản ánh rõ nét những đóng góp của tổ chức này trong việc giúp Việt Nam đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong nước cũng như xuất khẩu.

Theo ông Bean, yêu cầu về chất lượng thực phẩm của thế giới ngày càng cao. Do đó, ông bày tỏ hy vọng thời gian tới NAFIQPM sẽ triển khai những quy trình kiểm tra, giám sát phù hợp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho toàn ngành.

(Ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh)

Bà Katrine Lovenbalk Lundsby, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là quốc gia “thu hút” nhất trong khối ASEAN. Những năm qua, dù chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng.

Đan Mạch và Việt Nam có truyền thống hợp tác song phương lâu dài và chặt chẽ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Từ năm 2017, hợp tác giữa hai nước tập trung vào lĩnh vực an toàn thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chương trình cũng là một cấu thành quan trọng của thỏa thuận Đối tác Chiến lược xanh, được Thủ tướng hai nước khởi động vào tháng 11/2023.

Ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP Hà Nội thừa nhận, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô của Việt Nam còn tương đối lớn. Việc nâng cao chất lượng cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất, chế biến phải đi kèm với nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.

Một 'gia đình NAFI'

Chia sẽ tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói “thấy hạnh phúc” khi theo dõi bộ phim nói về hành trình 30 năm của hệ thống quản lý chất lượng, do NAFIQPM phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam sản xuất.

“Cảm xúc là thứ rất quan trọng trong cuộc sống này”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT gợi mở và nói thêm, rằng trong không gian của phòng họp Hoa Mai hôm nay, hàng trăm cán bộ, công nhân viên chức của “gia đình NAFI” có dịp ngồi lại, kết nối với nhau, khiến ông liên tưởng đến một cuộc chạy tiếp sức.

(Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Giám đốc NAFIQACEN, sau đó là Cục trưởng NAFIQAD. Ảnh: Tùng Đinh)

Theo Bộ trưởng, có rất nhiều đích đến mà một tổ chức, cá nhân phải hướng đến. Đó có thể là lễ kỷ niệm hôm nay, cũng có thể là niềm hạnh phúc trong suốt một quá trình phấn đấu, và cũng có thể là nâng cao chất lượng sống của 100 triệu người dân Việt Nam.

“Sức khỏe của người dân là điều rất quan trọng, nhưng có lẽ chúng ta cần phải đặt tầm nhìn đến 2050. Khi ấy, con cháu chúng ta sẽ tiếp xúc với nguồn thực phẩm thế nào”, Bộ trưởng nói tiếp.

Ông cho rằng, nhiệm vụ những ngày đầu của hệ thống NAFI là đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, đưa thủy sản chinh phục những thị trường khó tính như EU. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, ngoài nhiệm vụ nâng cao giá trị xuất khẩu, có lẽ cần phải dành nguồn lực nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến người dân - những người đang “đắm chìm” trong hệ sinh thái sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm.

Tư duy sản xuất nông nghiệp đang thay đổi liên tục, theo hướng đảm bảo vệ sinh, an toàn, chất lượng cho mọi tác nhân trong chuỗi. Ở góc độ cơ quan quản lý, rất khó để có thể đến từng cánh đồng để “cầm tay chỉ việc” cho người dân cách thức sản xuất. Vì thế, song song với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thậm chí xử phạt những vụ việc mất an toàn thực phẩm, còn phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Con đường phát triển của nông sản, hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng đều cần xây dựng “thương hiệu”, theo Bộ trưởng.

(Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'NAFIQPM tiếp tục phát triển, xứng đáng với những tình cảm mà người dân, doanh nghiệp đã gửi gắm'. Ảnh: Tùng Đinh)

Thời gian qua, NAFIQPM tiến hành kiện toàn lại tổ chức. Trong tình hình mới, vị tư lệnh ngành nông nghiệp kêu gọi từng cán bộ, chuyên viên NAFIQPM hãy suy nghĩ theo bối cảnh mới, tiến tới trở thành một chỗ dựa vững chắc của doanh nghiệp, người dân.

“Nên thay đổi suy nghĩ, doanh nghiệp giờ là đối tác, đồng hành với cơ quan quản lý. Có nhiều việc, doanh nghiệp tiếp cận và phản ứng rất nhanh nhạy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong tên gọi của NAFIQPM, người đứng đầu Bộ NN-PTNT nói cần làm nổi bật hơn nữa vai trò “phát triển thị trường”. Bởi thị trường là đích đến, nhưng cũng là yếu tố đầu vào, định hình, cơ cấu lại sản xuất. Việc tổ chức các hội nghị, diễn đàn nên chia nhỏ thị trường, nêu bật đặc điểm của từng thị trường, kết hợp với những kinh nghiệm kinh doanh sẵn có của doanh nghiệp.

Nhắc lại tư tưởng “đi cùng nhau”, Bộ trưởng nhìn nhận, 30 năm qua “gia đình NAFI” đã xây dựng được một hệ thống rộng khắp cả nước. Ông hy vọng, từ cơ sở này, NAFIQPM sẽ tiếp tục phát triển, xứng đáng với những tình cảm mà người dân, doanh nghiệp đã gửi gắm.

(theo: NAFIQPM)

Tags:
icon-up.gif